Việt Nam Quốc_công

Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần - Hồ

Trong lịch sử quân chủ phong kiến của Việt Nam, những người được phong đến tước "Quốc công" nếu không phải người trong hoàng tộc thì phần nhiều là quan tướng đã từng cầm quân ra trận, lập công lớn với triều đình và cũng có binh quyền lớn. Tước vị này cũng có thể được Vua chúa truy phong cho công thần sau khi họ đã mất, mang tính danh dự. Những người ngoài hoàng tộc và lại thuộc tầng lớp văn nhân Nho gia điển hình, tức những người không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận, để được phong tới tước Công ngay từ lúc sinh thời là rất hiếm.

Từ thời nhà Lý, tước Quốc công rất ít khi được ban phong, chỉ dành cho các đại công thần. Như Lý Thường Kiệt sinh thời được ân ban Khai Quốc công (開國公), sau khi qua đời thụ tước Việt Quốc công (越國公), thực ấp 10.000 hộ và cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước Hầu. Thời nhà Trần, phàm các Thân vương vào triều làm Tể tướng, đều gọi là ["Quốc công thượng hầu"], nếu vào trong nội đình chầu thì gia thêm tước Quan nội hầu. Như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, từng gia tước Quốc công, thêm Tiết chế Thống lĩnh thiên hạ chư quân sự.

Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng (Lê-Trịnh) – Tây Sơn – Nguyễn

Dưới thời Lê sơ, nhiều công thần hàng đầu từ thời kháng chiến chống quân Minh xâm lược (bao gồm cả Nguyễn Trãi) cũng chưa từng được phong tới tước Công (dù là Quận công hay Quốc công) lúc còn sống. Phần lớn trong số này nếu có được phong tới tước Công thì cũng là hình thức truy tặng của nhà vua sau khi họ đã chết tới vài chục năm hoặc có trường hợp tới thậm chí cả hơn trăm năm. Chẳng hạn như khai quốc công thần đồng thời là danh tướng hàng đầu của nhà Lê sơ là Nguyễn Xí (đại thần phụng sự đắc lực cho 4 đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông) mất năm 1465 nhưng phải tới năm 1484 niên hiệu Hồng Đức mới được truy phong lên tước Quốc công (Cương quốc công). Còn bốn công thần khai quốc khác của nhà Lê sơ là Lê Ngân, Lê Sát, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả lúc sinh thời chưa được phong quá tước hầu, nhưng đến thời Lê Thánh Tông mới cùng được truy phong lên tới tước công. Vua Lê Thánh Tông vào đầu năm Hồng Đức (1471) ra quy định, nếu không phải công thần thì không được gia ân Quốc công và Quận công; cả hai tước này đều lấy chữ đầu trong đất phong phủ, huyện của mình làm hiệu, như Phủ Quốc công Lê Thọ Vực và Tĩnh Quốc công Lê Niệm.

Sang thời kỳ phân tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài trong hơn 200 năm với thể chế lưỡng đầu mà thực quyền thuộc về các chúa Trịnh (nối đời thế truyền tước Vương), thì gần như đã thành một lệ bất thành văn là chỉ có những người thuộc hoàng tộc hay tôn thất các dòng họ đang nắm quyền gồm Lê (thuộc dòng con cháu kế tục của vua Lê Lợi) - Trịnh (thuộc dòng con cháu kế tục của chúa Trịnh Tùng) - Nguyễn (thuộc dòng con cháu kế tục của chúa Nguyễn Hoàng) lúc sinh thời được phong tới tước Quốc công. Các dòng họ còn lại thì dù có công lao và binh quyền rất lớn (chẳng hạn như Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Hữu Chỉnh) cũng chỉ được phong tới tước cao nhất là Quận công lúc sinh thời.

Dưới thời quân chủ của Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những trường hợp rất hiếm khi một văn nhân thuần túy (tức là những người không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận) và lại không thuộc hoàng tộc nhưng được phong tới tước Quốc công ngay từ lúc sinh thời. Trình Quốc công là tước phong chính thức cao nhất của vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 20 năm trước khi ông mất. Sự thật lịch sử này căn cứ vào 3 tấm văn bia do chính ông soạn lúc đã cáo quan về quy ẩn tại quê nhà.[1][2][3] Việc phong tước hiệu Quốc công cho Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay từ lúc còn sống đã chứng tỏ sự trân trọng cực lớn của vua Mạc đối với ông.

Các chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng, khi nắm lĩnh phía Nam đều là Quốc công, cụ thể là:

  1. Nguyễn HoàngNguyễn Phúc Nguyên - [Đoan Quốc công; 端國公];
  2. Nguyễn Phúc Tần - [Dương Quốc công; 勇國公][4];
  3. Nguyễn Phúc Thái - [Hoằng Quốc công; 弘國公];
  4. Nguyễn Phúc Chu - [Tộ Quốc công; 祚國公];
  5. Nguyễn Phúc Chú - [Đỉnh Quốc công; 鼎國公];
  6. Nguyễn Phúc Khoát - [Hiểu Quốc công; 曉國公], sau tự xưng Vương;

Thời Nguyễn, việc phong tước Công ngoài hoàng tộc lại càng hiếm hơn nhiều so với thời Lê-Trịnh, một phần bởi chính sách cai trị rất khắt khe được thiết lập từ những đời vua đầu triều như Gia LongMinh Mạng. Thường tước hiệu này chỉ được truy phong cho những công thần đã qua đời. Chẳng hạn, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ mất ở Đàng Trong từ năm 1634 (thời các chúa Nguyễn cai trị) nhưng phải sau gần 200 năm cho tới thời Minh Mạng (trị vì từ năm 1820 đến 1841) mới được truy phong tước Hoằng Quốc công. Ngay cả Hoàng Cao Khải lúc còn sống có uy quyền rất lớn (được thực dân Pháp chống lưng bảo trợ) cũng chưa được phong tới tước Quốc công.

Bên cạnh đó, tước Quốc công lại ưu tiên phong cho các Hoàng tử, cũng đều lấy một chữ trong tên phủ, huyện của đất phong làm phong hiệu. Tước Quốc công của Hoàng tử dưới [Thân công; 親公], và trên tước Quận công. Khác với tước Quốc công, cả hai tước Thân công và Quận công đều lấy nguyên hai chữ của đất phong.